Thông tin thị trường

Năm 2007, ai có tiền đầu tư vào thép đều trúng lớn, đó là lời 1 DN thương mại khi nói về những thương vụ trong năm qua. Đây không phải là chuyện may rủi mà cơ hội nhìn thấy rõ 100%, chỉ có điều là có tiền hay không mà thôi. Không DN nào thua lỗ trong việc đầu cơ vào thép năm qua, ngược lại những DN kiếm cả trăm tỷ đồng không phải là ít.

Năm 2007, giá phôi thép và thép trên thị trường thế giới biến động liên tục, ít có năm nào giá mặt hàng này lại biến động không ngừng từ đầu năm đến cuối năm như vậy.  Đầu năm 2007, giá thép chỉ ở mức 8,5 triệu đồng/tấn thì đến cuối năm tăng vọt lên ở mức 13-14 triệu đồng/tấn, giá phôi thép thì tăng từ mức trên 400 USD/tấn đầu năm đến cuối năm chạm mức 700 USD/tấn. Giá thép trên thị trường thế giới tăng mạnh, đã tác động đến thị trường thép trong nước, trong khi đó nhu cầu về thép trong nước vẫn tăng mạnh từ 17%-19%. Nhiều người có tiền đã không bỏ qua cơ hội này và trúng lớn.

Nửa năm 2007, nhiều DN đã trúng lớn bằng việc nhập khẩu thép thành phẩm từ Trung Quốc về bán. Khi đó giá phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc còn cao hơn giá thép thành phẩm nhập khẩu, là do chính sách hoàn thuế VAT 8% cho thép thành phẩm trong khi đánh thuế xuất khẩu với phôi thép của quốc gia này. Nhận thấy nhập khẩu thép về bán có lợi, hàng trăm nghìn tấn thép cuộn đã được nhập về Việt Nam. Mỗi tấn thép cuộn nhập khẩu về có giá rẻ hơn sản xuất trong nước tới 300.000 đồng.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu như cả năm 2006, Việt Nam nhập khẩu thép cuộn của Trung Quốc là 150.000 tấn thì tính từ đầu năm 2007 tới 15/04/2007, lượng thép cuộn nhập từ Trung Quốc đã lên đến gần 190.000 tấn. Chỉ tính riêng tháng 04/2007, các DN đã nhập khẩu 80.000 tấn thép cuộn.

Không chỉ có thép cuộn mà trong thời gian tháng 4/2007, Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (VIS) đã  thuê DN Trung Quốc gia công cả thép cây mang thương hiệu VIS và đưa về Việt Nam bán. Chỉ 1 lô hàng 10.000 tấn đã có lợi nhuận tới 10 tỷ đồng.

Nhưng cơ hội lớn mà các DN nhìn thấy rõ ràng đó là từ 1/6/2007 Trung Quốc đã nâng thuế suất thuế xuất khẩu thép thành phẩm lên 10% và phôi thép lên 15%. Thông tin này các DN Việt Nam biết trước đó ít nhất là 1 tháng. Trong tháng 5/2007, nhiều DN đã đẩy mạnh nhập khẩu cả phôi thép và thép thành phẩm để tích trữ.

Cũng theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam thì  6 tháng đầu năm 2007 lượng phôi thép nhập khẩu là 1.083.000 tấn (tháng 6/2007 chỉ nhập có 121.000 tấn, tính cả các hợp đồng đã ký trong tháng 5 nhưng tháng 6 mới về). Riêng tháng 5, lượng phôi thép nhập khẩu là 385.000 tấn đảm bảo hơn 1 tháng sản xuất với giá 485 USD/tấn. Ngoài ra các DN sản xuất cũng còn lượng hàng tồn kho hơn 200.000 tấn với giá thấp.

Bên cạnh đó, các công ty thương mại cũng đẩy mạnh nhập khẩu thép cuộn từ Trung Quốc. Trong tháng 5/2007, các hợp đồng nhập khẩu thép cuộn cũng liên tục được ký kết giữa DN 2 nước với số lượng  khoảng 120.000 tấn và thép cuộn ký tháng 5 nhập kéo dài sang tận đầu tháng 7 mới hết.

Đúng như đã công bố, bắt đầu từ 1/6, Trung Quốc nâng thuế suất thuế xuất khẩu với phôi thép lên 15%, thép thành phẩm 10% và bỏ chính sách hoàn thuế VAT cho thép thành phẩm xuất khẩu.  Giá phôi thép và thép của Trung Quốc nói riêng và trên thế giới nói chung bắt đầu "leo thang".

Từ 485 USD/tấn trong tháng 5 giá phôi tăng dần lên 530 USD cuối tháng 6, sau đó liên tiếp tăng vượt 600 USD vào tháng 9 và chạm mức 700 USD/tấn vào cuối năm. Khi giá phôi tăng thì giá thép trong nước cũng ngay lập tức tăng theo với mức tương đương. Giải trình việc tăng giá thép, Hiệp hội Thép cho rằng nếu nhập được phôi giá thấp, phải bán thép giá thấp, ngay cả khi giá phôi nhập đã tăng cao, làm theo cách tư duy này là trái với quy luật kinh tế thị trường, các nhà sản xuất sẽ không đảm bảo tái sản xuất và nếu kéo dài tình trạng này sẽ dẫn tới phá sản.

Nhưng ai cũng biết rằng với 1 lượng lớn phôi nhập khẩu khi giá vẫn còn thấp và còn lượng lớn hàng tồn kho, bán với giá cao, các DN thép đã trúng đậm.

Số liệu của Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, năm 2007, 8 DN liên doanh thuộc tổng công ty này có lợi nhuận trước thuế là 528,9 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2006.

Với các DN thương mại, không có con số lợi nhuận nào được công bố, nhưng lợi nhuận của một số DN còn được dự đoán là cao hơn cả sản xuất. Thép cuộn nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2007 giá thấp hơn cả giá phôi thép, trong khi giá thép cuộn trên thị trường 6 tháng cuối năm 2007 còn tăng cao hơn cả thép cây. Do sản xuất thép cuộn không cạnh tranh được với thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong nửa đầu năm 2007, nhiều DN thép đã ngừng hoặc giảm sản xuất thép cuộn, điều này đã làm cho thị trường khan hiếm và giá thép cuộn được đẩy lên cao, đó là điều chưa từng xảy ra.

Với số lượng nhập khẩu khá lớn từ khi giá còn thấp, các DN thương mại cũng đã có một phi vụ thành công ngoạn mục. Chênh lệch lớn, lợi nhuận chắc chắn phải lớn, trong khi đó các chi phí của DN thương mại lại không lớn như DN sản xuất. Một số DN thương mại nhìn thấy tình hình khan hiếm thép cuộn đã giữ lại thép nhập khẩu đến những tháng cuối năm mới bán ra với mức giá từ 12-13 triệu đồng/tấn, trong khi nhập chỉ tới 8-9 triệu đồng/tấn. "Có những DN thương mại tại Hải Phòng và Quảng Ninh đã thắng lớn từ những thương vụ thép vừa qua với số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng" - một DN thương mại nhập khẩu thép bật mí.

(Vietnamnet) 

SẢN PHẨM

 

LIÊN HỆ

 

map Số 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
phone (028) 3829.4623 - (028) 3823.0078
fax (028) 3829 0403 - (028) 38275693
Untitled-3 Email: kimkhitp@metalhcm.com.vn